Vụ hóa đơn nước 57 triệu ở TP.HCM: Khách hàng khởi kiện công ty Cấp nước
Với đơn khởi kiện Công ty cổ phần cấp nước Gia Định vì hóa đơn tiền nước 57 triệu đồng thì phải mất hơn 4 tháng hoặc lâu hơn kể từ khi tòa thụ lý vụ án, thì phiên tòa mới có thể diễn ra.
Như Báo Thanh Niên thông tin, anh Nguyễn Quốc Huy, đại diện ủy quyền của bà Nguyễn Thị Lan chủ nhà số 490/35 đường Lê Văn Sỹ (P.14, Q.3, TP.HCM) đã nộp đơn khởi kiện Công ty cổ phần cấp nước Gia Định đến TAND Q.3 về tranh chấp dân sự xung quanh hóa đơn tiền nước 57 triệu đồng.
Mất khoảng 4 tháng kể từ ngày tòa thụ lý
Từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, Công ty Chính Nghĩa Luật (TP.HCM) nhìn nhận trong trường hợp này, khi có tranh chấp xảy ra giữa người sử dụng nước và công ty cấp nước, trước tiên các bên nên giải quyết thông qua phương thức thương lượng, hòa giải trước khi tiến hành khởi kiện. Đồng thời, trường hợp tranh chấp này có liên quan đến người tiêu dùng thì các bên cần tìm hiểu áp dụng các quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để giải quyết.
Tuy nhiên, diễn biến hiện tại là phía anh Nguyễn Quốc Huy đã khởi kiện ra TAND Q.3 thì sau khi tòa thụ lý vụ án các bên vẫn có thể tiến hành hòa giải. Nếu không hòa giải được thì các bên phải tuân thủ thủ tục tố tụng dân sự và chấp hành theo quyết định bản án của tòa.
Cũng theo luật sư Nhật, từ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trình tự giải quyết các vụ án dân sự cơ bản gồm 6 bước. Đầu tiên là đương sự nộp đơn khởi kiện. Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
Kế đến tòa án sẽ phân công thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn…; trả lại đơn khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Tiếp theo là giai đoạn thụ lý vụ án, tiến hành hòa giải và chuẩn bị xét xử. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau: Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 (tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án) của Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.
Trong thời gian tranh chấp không được cắt nước
Nhận định về những tranh chấp chưa thống nhất giữa hộ anh Nguyễn Quốc Huy và Công ty cấp nước Gia Định, luật sư Nhật nói rằng về trường hợp thông báo ngừng cung cấp nước thì theo điểm a khoản 2 Điều 45 Nghị định 117/2007/NĐ-CP quy định việc ngừng dịch vụ cấp nước như sau: “Đối với khách hàng sử dụng nước là hộ gia đình sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt: Đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 5 tuần kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước”.
Tuy nhiên, theo khoản 5 Điều 48 Nghị định 117/2007/NĐ-CP có quy định về thanh toán tiền nước như sau: “Khách hàng sử dụng nước có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước xem xét lại số tiền nước phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của khách hàng sử dụng nước, đơn vị cấp nước có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 15 ngày làm việc. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của đơn vị cấp nước, khách hàng sử dụng nước có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải. Trong trường hợp không đề nghị hòa giải hoặc hòa giải không thành, khách hàng sử dụng nước có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong thời gian chờ giải quyết, khách hàng sử dụng nước vẫn phải thanh toán tiền nước và đơn vị cấp nước và không được ngừng dịch vụ cấp nước”.
Về vấn đề kiểm định đồng hồ nước trước và sau khi tòa thụ lý vụ án, luật sư Nhật cho rằng, theo khoản 3 điều 50 Nghị định 117/2007/NĐ-CP, khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm nước không chính xác, khách hàng sử dụng nước có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của đơn vị cấp nước, khách hàng sử dụng nước có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của khách hàng sử dụng nước, cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước tại địa phương có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định.
Về nghĩa vụ chứng minh theo điểm a khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ trường hợp người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.