Đời Sống

Đóng hàng chục triệu đồng đầu năm, tân sinh viên ngỡ ngàng

Không dừng ở học phí đắt đỏ, nhiều khoản phí khác phải chi trong tháng đầu nhập học khiến nhiều tân sinh viên và gia đình áp lực.

Không ít tân sinh viên choáng khi nhận thông báo số tiền cần phải đóng nhập học. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

“Chưa kịp mừng vì trúng tuyển, mình đã chuyển sang lo lắng khi nhận thông báo số tiền cần phải đóng khi làm thủ tục nhập học”.

Đó là chia sẻ của Minh Khoa (quê ở Kiên Giang) – tân sinh viên Đại học Công thương TP.HCM. Ngày biết tin trúng tuyển và nhận giấy báo nhập học, Khoa “hoảng” khi nhìn số tiền tạm đóng cho học kỳ 1.

Ngoài khoản học phí tạm thu hơn 17 triệu đồng, nam sinh phải đóng thêm hơn 2 triệu đồng tiền bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thân thể (tự nguyện) và đồng phục.

Sốc, lo lắng khi nhìn khoản phí phải nộp

Chia sẻ với Tri Thức – Znews, Minh Khoa cho biết dù đã chuẩn bị trước tinh thần, em vẫn “sốc” khi nhìn số tiền phải đóng, riêng khoản học phí nhiều gấp hàng chục lần so với khi em học THPT khiến nam sinh bối rối.

Dù vậy, khoản thu khiến Khoa bất ngờ nhất là đồng phục. Nam sinh nói gần 900.000 đồng cho đồng phục là 2 áo sơ mi và một bộ thể dục là “quá đắt”. Trước đây, mỗi áo đồng phục cấp 3 của Khoa chỉ chưa đến 100.000 đồng.

Ngoài các khoản đóng cho trường, gia đình Khoa cũng phải chuẩn bị cho con trai tiền mua laptop, thuê trọ và sinh hoạt phí tháng đầu. Tổng chi phí cũng lên tới hơn 30 triệu đồng.

“Em khá bỡ ngỡ, cũng lo lắng, bối rối vì tổng số tiền phải chi quá lớn nên phân vân chuyển sang học cao đẳng. Cũng may có bố mẹ động viên, em đã an tâm hơn”, Khoa nói.

Thông báo các khoản tạm thu Minh Khoa cần đóng khi nhập học. Ảnh: NVCC.

Thông báo các khoản tạm thu Minh Khoa cần đóng khi nhập học. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, Đức Anh (sinh sống ở Lào Cai) tân sinh viên trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nhận được danh mục 4 khoản phí đầu năm. Trong đó, học phí tạm thu học kỳ 1 với chương trình chất lượng cao đã lên tới 30 triệu đồng. Tiền khám sức khỏe đầu khóa học là 180.000 đồng, tiền bảo hiểm y tế hơn 1,1 triệu và bảo hiểm thân thể (tự nguyện) là 500.000 đồng.

Hôm nhập học, gia đình phải đóng “một cục” nên Đức Anh cũng choáng. Nam sinh nhớ gia đình một sinh viên khác nhập học cùng ngày cũng không tránh khỏi bất ngờ.

“Có thể bạn đó chủ quan không kiểm tra thông tin trước nên khi cùng ông đi nhập học, hai ông cháu chỉ đem theo 2 triệu đồng. Sau khi nhận thông báo khoản thu hơn 30 triệu đồng như trên, mình thấy ông của bạn khá sốc”, Đức Anh nhớ lại.

Tương tự, Như Ý (tân sinh viên Đại học Y Dược Cần Thơ) cho hay mới nhận thông báo học phí học kỳ 1 hơn 17 triệu đồng, em đã lo sốt vó. Các khoản thu khác, trường sẽ thông báo sau.

Ý nói bố mẹ em đều làm nông, để đỡ chi phí cho bố mẹ, Ý đã đăng ký vào một số trường có học phí thấp hơn nhưng không đỗ. Trúng tuyển vào Đại học Y Dược Cần Thơ với mức học phí cao, thời gian học dài, nữ sinh áp lực.

“Mẹ em thấy học phí cao nên cũng sợ không lo nổi. Em từng có ý định bỏ đại học để đi học ngoại ngữ rồi du học vừa học vừa làm”, Ý chia sẻ.

Xoay đủ cách để đi học

Chủ đề về các khoản thu nhập học được chia sẻ liên tục trên các diễn đàn sinh viên trong những ngày gần đây. Mỗi trường sẽ có các khoản thu khác nhau song đều có các khoản bắt buộc như học phí tạm tính, bảo hiểm y tế, phí khám sức khỏe đầu năm. Ngoài ra, một số trường sẽ thu thêm các khoản như đồng phục, kiểm tra tiếng Anh/Tin học đầu năm, làm thẻ sinh viên…

Các sinh viên như Minh Khoa, Đức Anh, Như Ý cho biết các em và gia đình đều áp lực để được đi học, nhất là với khoản học phí cao ngất ngưởng và lộ trình tăng hàng năm.

“Học phí tăng hàng năm nhưng thu nhập của bố mẹ em thì không. Đây là khoản không nhỏ đối với nhiều gia đình, nhất là với những gia đình ở nông thôn”, Đức Anh nhận định.

Số tiền phải đóng không hề nhỏ, trước ngày nhập học trực tiếp, bố mẹ Đức Anh đã phải vay nóng một nửa số tiền để kịp đóng theo thời gian quy định. Đây cũng là phương án gia đình Như Ý áp dụng bởi chưa đến vụ mùa, ba mẹ em chưa kịp gom đủ tiền.

Trong khi đó, Minh Khoa cho biết từ 3-4 tháng trước, em đã chia sẻ với bố mẹ rằng mức học phí sẽ khá cao. Vì vậy, bố mẹ nam sinh cũng có sự chuẩn bị trước. Khoa và Ý cũng chọn đi làm thêm sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau 2 tháng làm, Khoa gom được 6 triệu đồng, đủ chi tiêu sinh hoạt cho 2 tháng.

Nam sinh nói khi vào năm học, em sẽ không đi làm thêm nữa, thay vào đó là tập trung học để lấy học bổng, tránh việc “đi làm thêm chỉ để kiếm tiền đóng học lại”.

Như Ý cũng cho biết để tiết kiệm chi phí, em chọn ở ký túc xá. Song ký túc xá của trường hết phòng, nữ sinh đành thuê ký túc xá bên ngoài với giá 900.000 đồng/tháng. So với tiền thuê nhà trọ, đây là mức giá khá ưu ái. Ý cũng đang tham khảo thêm các khoản vay sinh viên để đảm bảo việc học.

 Yếu tố tài chính là bài toán khó đối với nhiều gia đình khi cho con học đại học ở thành phố lớn. Ảnh minh họa: Việt Hà.

Yếu tố tài chính là bài toán khó đối với nhiều gia đình khi cho con học đại học ở thành phố lớn. Ảnh minh họa: Việt Hà.

Chương trình hỗ trợ liệu có đủ?

Theo Nghị định số 97/2023 sửa đổi Nghị định 81/2021 của Chính phủ, năm học 2024-2025, mức trần học phí ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành.

Ở các trường đã tự đảm bảo chi thường xuyên (tự chủ), học phí có thể gấp 2,5 lần mức trên. Với chương trình đã được kiểm định, các trường tự xác định học phí.

Để hỗ trợ, khuyến khích sinh viên, nhiều đại học đã công bố các gói học bổng dành cho tân sinh viên, mức cao nhất là 100% học phí. Bên cạnh đó, ở mỗi kỳ, mỗi năm học, các trường đều có học bổng khuyến khích học tập cho những sinh viên đạt thành tích tốt.

Cùng với đó, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên ban hành năm 2022, mỗi học sinh, sinh viên được vay vốn học tập tối đa 40 triệu đồng/năm học 10 tháng, tương đương 4 triệu đồng/tháng.

Cũng theo quyết định này, kể từ ngày kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, học sinh – sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.

Tuy nhiên, chương trình này chỉ áp dụng cho học sinh, sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật và hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, với mức tăng học phí và sinh hoạt phí hiện nay, số tiền 4 triệu đồng/tháng khó có thể đảm bảo đủ chi trả cho các em. Đây là bài toán khó đối với nhiều gia đình khi cho con học đại học ở thành phố lớn.